Cần biết Chất thải rắn là gì? Cách phân loại và xử lý chất thải rắn?
Việc phân loại rác trước giờ ở nước ta luôn thuộc về đơn vị thu gom và xử lý rác, điều này đã dẫn đến hệ quả công tác xử lý rác khó khăn hơn và nhiều thời gian hơn. Từ thực tế đó, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định bắt buộc phân loại chất thải rắn đối với mọi cá nhân, gia đình:
Với mong muốn phổ biến quy định pháp luật tới mọi người dân, Luật Minh Khuê nghiên cứu và gửi tới bạn đọc bài viết về xử lý chất thải rắn theo quy định của Luật bảo vệ môi trường mới nhất. Trái đất đang ngày càng bị ô nhiễm nặng nề bởi rác. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc phân loại và xử lý chất thải rắn này? Cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây:
1. Chất thải rắn là gì?
Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác.
Pháp luật môi trường quy định về việc phân loại và xử lý chất thải rắn chia thành 2 nhóm đó là: chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn trong công nghiệp. Cụ thể như sau:
2. Đối với chất thải rắn sinh hoạt
2.1. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt
Điều 75 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về việc Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt như sau:
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo 03 nhóm:
+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;
+ Chất thải thực phẩm;
+ Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Cùng với đó, giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định vào các bao bì để chuyển giao như sau:
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
- Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định thực hiện quản lý như sau:
+ Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để sản xuất phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;
+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
+ Chất thải thực phẩm không tận dụng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi được phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
+ Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, do đặc điểm vệ vị trí địa lý cũng như chính sách, cơ chế xử lý rác mà hiện tại Nhà nước chỉ dừng lại ở việc khuyến khích thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt còn đối với hộ gia đình ở độ thì điều đó là bắt buộc.
2.2. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt
Để khâu phân loại chất thải rắn có ý nghĩa thì việc xác định điểm tập kết, trạm chung chuyển chất thải rắn sinh hoạt là cần thiết nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng lẫn các chất thải đã được phân loại với nhau. Theo đó, pháp luật quy định:
- Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại
- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2.3. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
Việc thu gom, vận chyển chất thải rắn thuộc về cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển. Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi.
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Lưu ý: Kể từ ngày 01/01/2022 khi Luật bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là bắt buộc đối với cá nhân, hộ gia đình. Pháp luật quy định cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác.
Để công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn thực hiện hiệu quả, pháp luật môi trường quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
- Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
- Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt;
- Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
2.4. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật. Không khuyến khích đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã.
Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp.
2.5. Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Từ ngày 01/01/2022 giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:
- Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;
- Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định này thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
- Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng nhỏ theo quy định của Chính phủ được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 của luật bảo vệ môi trường.
- Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng lớn theo quy định của Chính phủ phải chuyển giao cho cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải có chức năng phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển có phương tiện, thiết bị phù hợp để vận chuyển đến cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn có chức năng phù hợp.
3. Đối với chất thải rắn trong công nghiệp thông thường
3.1. Phân loại, lưu giữ, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường
Chất thải rắn công nghiệp thông thường được phân loại thành các nhóm sau đây:
- Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất;
- Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng;
- Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn theo quy định; lưu giữ bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn công nghiệp thông thường không được phân loại phải được quản lý như chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường có lẫn chất thải nguy hại không thực hiện việc phân loại hoặc không thể phân loại được thì được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Lưu ý: Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại; không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải rắn công nghiệp thông thường; không làm phát tán bụi, rò rỉ nước thải ra môi trường; lưu giữ bằng các thiết bị, dụng cụ, khu vực lưu giữ phù hợp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Việc vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu sau đây:
- Chất thải phải được chứa, đụng trong các thiết bị, dụng cụ bảo đảm không rơi vãi, rò rỉ, phát tán ra môi trường trong quá trình vận chuyển, trừ trường hợp chất thải đặc thù có khối lượng lớn phải chứa, đựng trực tiếp bằng các thiết bị, thùng chứa của phương tiện vận chuyển;
- Chất thải phải được vận chuyển theo loại sau khi đã được phân loại theo quy định;
- Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý phải có thiết bị định vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoạt động theo tuyến đường và thời gian quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3.2. Xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng sau đây:
- Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Cơ sở sản xuất có chức năng đồng xử lý chất thải phù hợp;
- Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp;
- Cơ sở vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đã có hợp đồng chuyển giao với đối tượng quy định tại các điểm a, b hoặc c khoản này.
Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý được tự tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường và phải bảo đảm đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định;
- Phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường;
- Không đầu tư mới lò đốt và bãi chôn lấp để xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, trừ trường hợp phù hợp với nội dung quản lý chất thải rắn trong các quy hoạch có liên quan.
Trái đất ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, mức độ ô nhiễm tỷ lệ thuận với mức độ phát triển kinh tế. Kéo theo đó là những thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm xảy ra đe dọa cuộc sống của con người. Nguyên nhân không phải vì đất mẹ giận dữ mà chính bởi chúng ta đã và đang hủy hoại môi trường sống an toàn của chính mình. Vậy làm sao để bảo vệ trái đất, môi trường sống của chúng ta? Những điều to lớn chúng tôi không nhắc tới. Ở đây, chúng tôi chỉ nhắc tới hành động nhỏ đó chính là sống xanh và sạch. Và một trong những hành động ý nghĩa đó chính là xử lý rác thải.