Doanh nghiệp Ngành Sơn thu triệu đô nhờ đổi mới công nghệ
Công ty Sơn Hải Phòng từng đứng bên bờ vực phá sản, nhờ đổi mới công nghệ, công ty dần vực dậy và phát triển thêm 10 công ty thành viên.
>>> Không thể thiếu các Giải pháp tuyệt vời sau:
Hệ thống cấp nạp liệu từ Jumbo lên Silo chứa
Hệ thống Cân định lượng nhiều thành phần
Câu chuyện được ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Sơn Hải Phòng kể tại hội thảo "Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, định hướng của quỹ đổi mới công nghệ quốc gia" sáng 7/12.
Ông Dũng cho biết, công ty ông từng đứng trên bờ vực phá sản. Năm 2016 Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia giao cho công ty thực hiện đề tài "Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất sơn Alkyd dung môi nước có hàm lượng VOC thấp, công suất 15.000 tấn/năm". Để đổi mới công nghệ thuận lợi, Công ty đã xây dựng phòng thí nghiệm diện tích 800 m2 gồm 1 phòng chức năng, trên 30 kỹ sư chuyên ngành. Thực hiện dự án, công nghệ sản xuất được đổi mới, sản phẩm là loại sơn mới có giá giảm hơn so với sơn cũ từ 3-5% nhưng duy trì độ bóng và độ bền thời tiết cao hơn. Các tính năng này giúp sản phẩm sơn mới có khả năng cạnh tranh cao hơn. "Công ty dần vực dậy và phát triển được 10 công ty thành viên khác", ông Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hiệp Anh
Ở ví dụ khác được ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty chế biến dừa Lương Quới nêu, khi thực hiện dự án "Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói Tetra – Park cho sản phẩm nước dừa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long" đã nâng cao giá trị cho trái dừa. Bình thường dừa có giá khoảng 40.000 đồng cho 12 trái đã tăng lên 80.000-100.000 đồng. Doanh thu của công ty từ 1 đến 200 tỷ đồng nâng lên khoảng 60 triệu USD. Riêng mảng nước dừa, năm 2021 đã đem lại doanh thu khoảng 10 triệu USD, năm 2022 dự kiến sẽ đạt con số 20 triệu USD.
Chia sẻ những thành tựu đạt được sau khi đổi mới công nghệ, ông Nguyễn Hữu Vũ, Giám đốc Hanvet cho biết, nhờ đổi mới công nghệ, Hanvet đã làm chủ dây chuyền sản xuất vaccine virus trên phôi trứng công suất 200 triệu liều/năm, ứng dụng để sản xuất vaccine dịch tả vịt, lasota, newcaster... Dây chuyền sản xuất vaccine bằng công nghệ nuôi cấy tế bào trên chất mang (Microcarrier) công suất trên 200 triệu liều/năm để sản xuất vaccine tai xanh, dịch tả lợn, đậu gà.
"Việt Nam có khoảng 8 triệu trâu bò, 30 triệu con lợn và 500 triệu gia cầm, nhu cầu vaccine cho gia súc gia cầm rất lớn. Trong khi đó năng lực sản xuất vaccine thú y trong nước chỉ đảm nhận 10-15% thị phần. Đổi mới công nghệ là con đường buộc phải đi để làm chủ lĩnh vực này", ông Vũ nói.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Sau 5 năm hoạt động, Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia đã trợ giúp nhiều doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng phó với những khó khăn sau đại dịch Covid-19. Ông Tùng hy vọng các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn để giải các bài toán thực tiễn.
Báo cáo kết quả hoạt động 5 năm, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia cho biết, đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ do các doanh nghiệp đề xuất thuộc 35 tỉnh, thành phố. Quỹ đã đánh giá, tư vấn giúp các doanh nghiệp bước đầu xây dựng thành công gần 300 nhiệm vụ, chọn được 184 nhiệm vụ với tổng kinh phí đề xuất thực hiện khoảng 5.752 tỷ đồng. Trong số này hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 1.668 tỷ đồng, thu hút nguồn vốn do doanh nghiệp đầu tư thực hiện nhiệm vụ khoảng 4.083 tỷ đồng. Thông qua các dự án khoa học công nghệ, đã huy động được 782 tỷ đồng của doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ.
Theo Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia, với các nhiệm vụ đang đề xuất, dự kiến huy động được 4.083 tỷ đồng từ doanh nghiệp có dự án đổi mới công nghệ tham gia. Doanh thu của các doanh nghiệp hàng năm sau khi đổi mới công nghệ tăng thêm 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 300 tỷ đồng/năm. Theo cả chu kỳ công nghệ (5-7 năm) thì doanh thu, lợi nhuận thuế nộp ngân sách sẽ lớn gấp nhiều lần phần ngân sách nhà nước tài trợ. Đổi mới, cải tiến và phát triển gần 50 công nghệ, giải pháp, dây chuyền và thiết bị được ứng dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia cho biết, nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp là rất lớn, tuy nhiên chi phí cho đổi mới công nghệ là rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp ngại đổi mới. Doanh nghiệp rất có ý thức tìm kiếm giải pháp hiện đại hoá thiết bị, máy móc, công nghệ nhưng lại không mặn mà với việc nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học công nghệ khác
Theo ông Bình, giai đoạn tới cần khuyến khích sự tham gia tích cực hơn từ các tổ chức công lập trong hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. "Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ", ông Bình nói.
Góp ý để Quỹ hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Vũ cho rằng, hoạt động của Quỹ đang bị gò bó vào nhiều chính sách, nhiều vấn đề xử lý còn máy móc. Ông Vũ hy vọng Quỹ sẽ đơn giản hoá thủ tục và thời gian xét chọn, giao thẩm quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng cần mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi của Quỹ. Để thực hiện mục tiêu Quỹ tiếp nhận ít nhất 1.000 tỷ đồng đến cuối năm 2025, cần kêu gọi nguồn lực xã hội và viện trợ từ nước ngoài. "Để làm được, phải có sự bứt phá, mạo hiểm trong hoạt động của Quỹ. Các thủ tục hành chính phải đơn giản hơn nữa, cụ thể như các thủ tục, hồ sơ ngân hàng đã thẩm định thì Quỹ không cần thẩm định lại vì trách nhiệm đã được phân định rõ ràng", ông Thân đề xuất.
Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia ra mắt năm 2015, tài trợ các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo đặt hàng của nhà nước, nhiệm vụ khoa học công nghệ có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội, chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến do tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đề xuất.
Giai đoạn 2021-2025, Quỹ đặt mục tiêu nguồn vốn hoạt động tăng ít nhất 1.000 tỷ đồng, tiếp nhận trên 1.000 đề xuất, ý tưởng cần hỗ trợ tài chính để triển khai các nhiệm vụ, dự án về đổi mới công nghệ. Đến cuối năm 2025 có khoảng 90 lượt vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay giai rngaan trên 700 tỷ đồng, 80 doanh nghiệp, tổ chức được hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn của Quỹ và từ các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ do Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ giao với kinh phí trên 300 tỷ đồng.
Tô Hội